Hành trình 10 năm “thay da đổi thịt” vùng sâu vùng xa bằng mô hình du lịch “lạ” của nữ CEO 8x: Đi cùng cộng đồng địa phương từ con số 0 đến lúc họ đủ năng lực tự làm giàu

Hành trình 10 năm “thay da đổi thịt” vùng sâu vùng xa bằng mô hình du lịch “lạ” của nữ CEO 8x: Đi cùng cộng đồng địa phương từ con số 0 đến lúc họ đủ năng lực tự làm giàu

Hành trình 10 năm “thay da đổi thịt” vùng sâu vùng xa bằng mô hình du lịch “lạ” của nữ CEO 8x: Đi cùng cộng đồng địa phương từ con số 0 đến lúc họ đủ năng lực tự làm giàu

Nhiều người hỏi CEO Nguyễn Huyền Phương tại sao không làm những mô hình kinh doanh “ra tiền” hơn, đỡ thách thức hơn. Chị Phương chỉ trả lời nếu mọi người có thể giống như chị, nhìn được những giá trị được tạo ra từ sản phẩm này chắc chắn sẽ hiều vì sao chị quyết tâm và say mê với nó đến vậy.

Với chị Nguyễn Huyền Phương – CEO Tổ chức tình nguyện vì giáo dục (VEO – Volunteer for Education), xây dựng và phát triển VEO là cách chị thoát ra khỏi vùng an toàn, thử thách các khía cạnh mới mà bản thân chưa từng khám phá trước đó. Sau 10 năm, với sự góp sức của chị Phương, các co-founder và mạng lưới tình nguyện viên trên toàn quốc, VEO đã trở thành cái tên nổi bật khi nhắc đến mô hình du lịch tình nguyện (voluntourism) ở Việt Nam.

Du lịch kết hợp hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của VEO

Mô hình du lịch tình nguyện mà VEO đang khai thác hướng đến kết hợp 50% thời gian dành cho du lịch trải nghiệm cảnh đẹp, tìm hiểu văn hóa bản sắc địa phương và 50% hoạt động là các công việc tình nguyện hỗ trợ cộng đồng. Khách du lịch cũng chính là những tình nguyện viên, mỗi chuyến đi sẽ được chia thành nhiều nhóm với nhiệm vụ riêng: từ dạy tiếng Anh, dạy kỹ năng sống cho trẻ em vùng cao, cùng người dân xây dựng homestay đến hỗ trợ hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm)…

Để phát triển mạng lưới gần 15 điểm dự án từ Bắc vào Nam như hiện nay, đội ngũ của VEO đã đến những địa điểm khó khăn và có tiềm năng du lịch nhưng người dân chưa biết cách làm hoặc gặp nhiều khó khăn để đẩy mạnh kinh tế địa phương. Theo CEO Nguyễn Huyền Phương, thuyết phục bà con dân tộc thiểu số đầu tư một khoản tiền để sửa lại nhà cửa, mua thêm vật dụng làm homestay hay tham gia cung cấp dịch vụ du lịch không quá khó vì hầu hết mọi người đều có quyết tâm thoát nghèo.

Thử thách là việc cần kiên trì xây dựng lộ trình dài hơi, “không chỉ cho con cá mà còn cho cần câu” để người dân có thể thành thục và tự kiếm tiền từ một nghề mới. Bởi dù được đào tạo kỹ càng thì bà con không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ và cả lỗi sai khi mới làm. Khi đó, VEO vẫn đóng vai trò người đồng hành cùng họ phát triển các sản phẩm du lịch và đưa khách du lịch tới cho người dân để họ tin rằng nghề này có tiềm năng và nếu làm dịch vụ tốt hơn thì thu nhập sẽ cao hơn.

Chị Huyền Phương cho biết, sẽ phải mất ít nhất 1 năm để người dân địa phương có thể thành thục các kỹ năng cần thiết để cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch. “Điều quan trọng của du lịch cộng đồng, đặc biệt là những điểm du lịch mới, là ai sẽ sẵn sàng làm khách hàng thử nghiệm dịch vụ. VEO đã thuyết phục được những khách hàng hay tình nguyện viên của mình trở thành những khách hàng thử nghiệm này, thuyết phục rằng trải nghiệm và ý kiến phản hồi mang tính xây dựng của họ sẽ có tác động đến công việc mới của bà con ra sao.

Vậy nên những khách hàng mà VEO mang đến cho địa phương sẵn sàng trải nghiệm những dịch vụ đang trong quá trình thành hình, có thể chưa hoàn thiện để đưa đến những phản hồi tích cực cho người dân địa phương, xây dựng cùng địa phương những sản phẩm dịch vụ tốt hơn chứ không ‘đánh giá 1 sao’ và bỏ đi lựa chọn nơi khác ”, CEO 8x chia sẻ.

Xuất phát điểm là người làm việc trong lĩnh vực tài chính, chị Phương tự đánh giá mô hình của VEO có nhiều thách thức. Mức phí của mỗi chuyến đi không thể cao do đối tượng khách VEO hướng đến là các bạn trẻ, sinh viên chưa có điều kiện tài chính dư dả. Trong khi đó, doanh nghiệp cần gánh nhiều chi phí hơn do cần thêm nhân sự điều phối, hướng dẫn người dân địa phương.

“Ít đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành sẽ chọn mô hình như VEO, sẵn sàng hợp tác với bà con khi họ còn yếu và cần đối tác nhất. Vì VEO muốn là người đồng hành phát triển năng lực của địa phương chứ không đơn giản đến khai thác trên nền tảng dịch vụ đã tốt rồi. Có thể nói chúng tôi đang đi một con đường hơi kỳ lạ nhưng thực tế đã cho thấy đời sống của người dân tại các điểm dự án đều đi lên, khách hàng cũng hiểu giá trị mỗi chuyến đi mang lại”, chị Huyền Phương chia sẻ.

Du khách và cũng là tình nguyện viên của VEO tham gia xây dựng Homie homestay ở Lô Lô Chải, Hà Giang

Cáng là một trong rất nhiều người dân tộc tại Lô Lô Chải và cả những điểm dự án khác của VEO đã “chuyển mình” mạnh mẽ nhờ biết làm du lịch đúng cách. Đến nay, Lô Lô Chải trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng, cả làng đều muốn làm du lịch và phát triển theo con đường bền vững nên cuộc sống của bà con người dân tộc đã khác xưa rất nhiều.

Tại các điểm dự án, VEO còn thực hiện các hoạt động đào tạo phi chính thống cho trẻ em vùng cao, dạy các em học tiếng Anh và kĩ năng sống. Điều khiến chị Huyền Phương hạnh phúc là những người dân ở các bản làng coi đội ngũ của VEO như người nhà. Đến ngày có đoàn của VEO tới là bố mẹ chở con đem cặp lồng cơm đến lớp để con có thể học ở đó cả ngày. Thậm chí có địa phương không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng muốn học tiếng Anh để tự mình giao tiếp và đón khách nước ngoài.
Du khách và cũng là tình nguyện viên của VEO tham gia xây dựng Homie homestay ở Lô Lô Chải, Hà Giang

10 năm kể từ ngày thành lập, VEO đã đón 50.000+ khách hàng và cũng là các tình nguyện viên đến 15 điểm dự án trên khắp cả nước. Đi qua cột mốc đặc biệt này, CEO Nguyễn Huyền Phương mong muốn VEO có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hỗ trợ và trao quyền cho các bạn trẻ thực hiện nhiều hơn các hoạt động vì cộng đồng. Như vậy, giá trị tốt đẹp mà VEO hướng tới sẽ lan tỏa và luôn còn mãi.

Theo Hồng Nhung – CafeF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *