Cuộc sống tại Tỉnh Bắc Ninh

Cuộc sống tại Tỉnh Bắc Ninh

Cuộc sống tại Tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là một tỉnh ở Việt Nam. Đây là tỉnh có diện tích nhỏ nhất đất nước, với vị trí nằm trong Vùng thủ đô Hà Nội, thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Bắc Ninh là trung tâm của xứ Kinh Bắc xưa, với 44 làng quan họ cổ, là cái nôi của Dân ca Quan họ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù. Tỉnh cũng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Việt Nam.

Khí hậu Bắc Ninh

Bắc Ninh nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Có sự chênh lệch rõ ràng về nhiệt độ giữa mùa hè nóng ẩm và mùa đông khô lạnh. Sự chênh lệch đạt 15-16 °C. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Lượng mưa trong mùa này chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.400-1.700 mm. Nhiệt độ trung bình: 23,3 °C. Số giờ nắng trong năm: 1.530-1.776 giờ. Độ ẩm tương đối trung bình: 79%.

Phúc lợi xã hội

Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Nổi bật là chính sách hỗ trợ người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên; hỗ trợ điện chiếu sáng cho thôn, khu phố; mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình Sữa học đường đến khối lớp 1 và lớp 2… góp phần nâng cao đời sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, năm 2017 giảm hộ nghèo xuống còn 2,06%.

Du lịch

Bắc Ninh hiện có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa với nhiều đình, chùa, lễ hội và những làn điệu dân ca Quan họ. Bề dày lịch sử, văn hóa đã tạo cho Bắc Ninh tiềm năng phát triển du lịch văn hóa.[37]. Bắc Ninh có 3 khu du lịch là: Khu du lịch văn hoá Quan họ Cổ Mễ (thành phố Bắc Ninh); khu du lịch văn hoá Đền Đầm (thành phố Từ Sơn); khu du lịch văn hoá Phật Tích (huyện Tiên Du). Bên cạnh đó, theo dự kiến sẽ có 3 khu du lịch khác là: Khu du lịch lâm viên Thiên Thai (huyện Gia Bình); khu du lịch văn hoá lịch sử Như Nguyệt (huyện Yên Phong); khu du lịch tâm linh Hàm Long – Núi Dạm (thành phố Bắc Ninh) và lựa chọn 22 điểm di tích quy hoạch phát triển thành điểm du lịch làm động lực cho các tuyến du lịch khép kín, liên hoàn và hấp dẫn trên địa bàn. Trong đó có một số di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu để hình thành các điểm, các tuyến du lịch hấp dẫn như Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Phật Tích, lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Đô, đền thờ Lê Văn Thịnh, Đền, chùa Cổ Lũng (xã Nội Duệ), Chùa Lim. Ngoài ra, còn có du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ), khu vực chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành), làng Quan họ Viêm Xá (Thành phố Bắc Ninh) Làng gỗ mĩ nghệ Đồng Kỵ

Văn hóa

Bắc Ninh có một nền văn hoá nhân văn đặc sắc, một vùng quê văn hiến có nhiều di tích lịch sử văn hoá, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống. Những dấu ấn lịch sử sống động truyền thống văn hoá Việt Nam, đậm đà bản sắc Kinh Bắc, được kết tinh trong những di sản văn hoá, các lễ hội dân gian. Bắc Ninh là địa phương thứ 3 xây dựng văn miếu có tầm cỡ, quy mô, trang trọng. Văn miếu Bắc Ninh với 677 vị đại khoa, chiếm 1/3 tổng số vị đại khoa của cả nước đã được vinh danh. Văn miếu Bắc Ninh với những trang lịch sử văn hóa, giáo dục còn lưu giữ được cho đến ngày nay là những cứ liệu vô cùng giá trị của nền văn minh ở vùng Kinh Bắc, nơi có thành cổ Luy Lâu, nơi Sĩ Nhiếp truyền bá Hán họcChùa DâuChùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp là những nơi phát tích của Phật giáo Việt NamChùa Dận. Bắc Ninh với các làn điệu quan họ, các làng nghề như làng tranh Đông Hồlàng gốm Phù Lãng, gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, rèn sắt Đa Hội, đúc đồng Đại Bái, dệt Hồi Quan. Các di tích lịch sử đáng kể có Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương – thờ Thủy Tổ Việt Nam, đền Đô – thờ tám vị vua triều Lý, đền Phụ Quốcđình làng Đình Bảngchùa Cổ Lũng v.v. Bắc Ninh có nhiều đặc sản Bắc Ninh như bánh phu thê Đình Bảng, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, bánh đúc Đình Tổ, nem Bùi (Ninh Xá)[cần dẫn nguồn], rượu nếp làng Cẩm,[39] cháo cá Bắc Ninh,[40] tương Đình Tổ, bánh tro. Con người Bắc Ninh mang trong mình truyền thống văn hóa, cần cù và sáng tạo, với những bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian của vùng trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, tranh vẽ dân gian.

Tính đến ngày 05/12/2015 Bắc Ninh đã nhận 3 danh hiệu UNESCO Việt Nam đó là:

  • Dân ca Quan họ Băc Ninh.
  • Ca trù.
  • Trò chơi Kéo co truyền thống (kéo co được công nhận ngày 3/12/2015 – là hồ sơ đa quốc gia cùng với Hàn Quốc, Campuchia, Philippines).

Vùng đất của lễ hội

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh diễn ra hơn 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Một số lễ hội tiêu biểu được liệt kê dưới đây (Theo âm lịch):

  • Lễ hội Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân và Âu Cơ (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành) được tổ chức vào ngày 16-17-18 tháng Giêng, nơi thờ Thủy Tổ người Việt, ông nội vua Hùng.
  • Hội chùa Tổ (thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, Gia Bình). Đây là quê hương của Huyền Quang (Lý Đạo Tái) một trong ba vị sáng lập thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Lễ hội diễn ra từ 18-21 tháng 2 âm lịch hàng năm.
  • Lễ hội Làng Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong) được tổ chức vào 24-25-26 tháng giêng, hội có môn bơi bơi chải kỉ niệm chiến thắng Sông Như Nguyệt –
  • Lễ hội Lim ở xã Nội Duệ nay là thị trấn Lim, huyện Tiên Du, được tổ chức vào 11 – 13 tháng giêng.
  • Lễ hội làng Tam Tảo (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du) được tổ chức vào mồng 10 tháng 2 hàng năm.
  • Lễ hội Đền Bà Chúa Kho (thuộc phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh ngay bên bờ hữu ngạn sông Cầu), khai hội vào ngày 14- tháng 1 Âm lịch nhằm tưởng niệm ngày giỗ Bà.
  • Lễ hội chùa Phật Tích (chùa nằm trên đồi Phật Tích hay còn gọi là núi Lạn Kha, Rìu Mục) thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, lễ hội từ mùng 3 đến mùng 5 Tết.
  • Lễ hội làng Kim Chân (làng Tiến sĩ). Được tổ chức vào ngày 26 đến 28 tháng 2.
  • Lễ hội Đền Đô (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn) để kỷ niệm ngày đăng quang của vua Lý Thái Tổ – 15 tháng 3 năm Canh Tuất 1010, và tưởng niệm các vị vua nhà Lý.
  • Lễ hội chùa Bút Tháp (chùa Thấp) ngày 24 tháng 3 âm lịch ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành
  • Lễ hội Thập Đình (của mười làng thuộc hai huyện Quế Võ và Gia Bình) để kỷ niệm trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam tức Thái sư Lê Văn Thịnh và Doãn Công (Cao Doãn Công).
  • Lễ hội Cao Lỗ Vương ngày 10 – tháng 3 ở làng Tiểu Than (làng Dựng) xã Vạn Ninh và làng Đại Than (làng Lớ) ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình[41].
  • Lễ hội Đồng Kỵ (phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn) ngày 4 – tháng Giêng.
  • Lễ hội Chùa Dâu ngày 8 tháng 4 âm lịch. Chùa tọa lạc ngay cạnh tỉnh lộ 282 nay là quốc lộ 17 thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.
  • Lễ hội truyền thống làng Vĩnh Kiều

Có câu:Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội DâuMùng chín đâu đâu cũng về hội Gióng

  • Lễ hội làng Diềm – Từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng 2 âm lich hằng năm – Tại làng Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm), thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
  • Lễ hội kéo co thôn Hữu Chấp – Ngày mồng 4 – tháng giêng
    Xem thêm: Danh sách các lễ hội ở Bắc Ninh

Khám phá ẩm thực Bắc Ninh – nét đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc

Bắc Ninh không chỉ vang danh là vùng đất Kinh Bắc với những làn điệu dân ca quan họ cổ truyền, với những ngôi chùa cổ linh thiêng mà còn nức tiếng với một nền ẩm thực Bắc Ninh đa dạng. Trong đó các món ăn truyền thống dân dã của miền quê luôn chiếm giữ vai trò chủ đạo.

  1. Bánh phu thê Đình Bảng
    Nếu có dịp đến thăm Đền Đô, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh thì đừng quên thưởng thức món bánh phu thê nổi tiếng. Đây không chỉ là thứ quà quê dân dã được lòng du khách ghé chơi, mà còn là đặc sản trứ danh của ẩm thực Bắc Ninh. Bánh phu thê gắn liên với truyền thuyết khi vua Lý Anh Tông xuất chinh, hoàng hậu đã chính tay vào bếp làm ra món bánh gửi theo chồng đi đánh trận. Nhà vua nghĩ đến tình vợ chồng nồng thắm nên đã đặt tên bánh là phu thê, sau này còn được gọi là bánh xu xuê. Ngày nay bánh Phu Thê thường được gói thành từng cặp tượng trung cho tình cảm lứa đôi gắn kết và trở thành một trong lễ vật không thể thiếu trong đám cưới hỏi của người Kinh Bắc.

  1. Nem Bùi Ninh Xá
    Nem Bùi Ninh Xá là một món ăn truyền thống của người dân Thôn Bùi Xá, Xã Ninh Xá, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là món ăn giản dị, dân dã kết hợp cùng với lá sung chấm tương ớt tạo nên hương vị thơm ngon. Thưởng thức món Nem Bùi cùng ly bia mát lạnh đã trở thành thú vui đặc trưng. Mùi thơm lừng của nem, vị bùi bùi của lá sung, là những thể cảm nhận lần đầu tiên khi thưởng thức món ăn này. Vài năm trở lại đây, nem bùi ngày càng nổi tiếng và được nhiều người biết đến, trở thành món ẩm thực làng quê ngon rẻ.

  1. Bánh tẻ làng Chờ
    Mặc dù bánh tẻ là món ăn truyền thống vô cùng phổ biến ở nhiều vùng quê trên khắp cả nước nhưng không phải nơi nào cũng có những chiếc bánh có hương vị đặc biệt thơm ngon như ẩm thực Bắc Ninh này. Bánh tẻ xứ Kinh Bắc vừa dẻo dai, vừa thơm giòn, lại ngọt mát làm cho người ăn không thể quên được cái hương vị đặc biệt thơm ngon ấy. Bánh tẻ ngon nhất là của các làng Chờ: Phú Mẫn, Tiên Trà, Ngân Cầu, Nghiêm Xá, Ngô Nội, Trung Bạn, Phù Lưu. Đây là những làng đồng chiêm cấy được những giống lúa gạo thơm ngon bậc nhất, nên dễ hiểu vì sao đây là nơi làm ra được loại bánh tẻ chất lượng, hương vị đi vào lòng người nhất.

  1. Bánh khúc làng Diềm
    Bánh khúc làng Diềm đã có từ rất lâu rồi. Không ai trong làng nhớ nổi bánh khúc có từ bao giờ, chỉ biết rằng loại bánh này đã làm lên tên tuổi ẩm thực làng Diềm. Người dân trong làng vẫn truyền tai nhau bánh xuất hiện từ thời Vua Bà, cùng với đó là sự hình thành của các làn điệu dân ca quan họ. Từ đó đến nay, các công thức làm bánh được cha truyền con nối và nghề làm bánh khúc truyền thống được gìn giữ cho đến tận sau này, tạo nên món ăn nức tiếng của ẩm thực Bắc Ninh.

  1. Bánh tro Đình Tổ
    Bánh tro Đình Tổ là một loại bánh độc đáo ngay từ cái tên của nó. Bánh được làm từ nước tro, gạo nếp, một ít vôi, gói bằng lá chuối hoặc lá dong và mật mía. Để có nước tro trong làm bánh, người ta dùng rơm nếp đốt lấy tro, rồi đổ tro vào chậu, hòa với nước vôi để lắng nước trong. Sau đó bỏ cặn để chắt lấy nước. Làm vậy nước tro sẽ trong và có mùi thơm nhẹ. Tiếp đó, gạo nếp được vo sạch và ngâm trong vòng từ 3 – 4 giờ, vớt ra để ráo nước. Lá chuối hoặc lá dong được đem về rửa sạch sẽ, hấp chín mềm rồi lau khô dùng để gói bánh. Nhờ tất cả các bước được làm một cách cẩn thận và thủ công mà bánh tro Đình Tổ có vị thanh mát, mềm và ngọt đặc trưng. Chỉ một lần thưởng thức thứ quà quê dân dã của vùng đất Đình Tổ này cũng sẽ khiến bạn vấn vương nhớ mãi dư vị của bánh tro độc đáo ẩm thực Bắc Ninh.
  1. Rượu Làng Vân
    Từ lâu, rượu Làng Vân đã trở thành thứ đặc sản trứ danh và trở thành một thương hiệu ẩm thực Bắc Ninh nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Rượu làng Vân chính gốc được làm từ gạo ngon, chất lượng phân theo từng loại gạo: Gạo tẻ, gạo nếp, nếp cái hoa vàng. Với gạo thường thì chỉ cần ủ 3 ngày, sau đó đem vào bếp nấu là ra rượu. Nhưng với gạo nếp cái hoa vàng yêu cầu sự chỉn chu, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu của người nấu. Mất tới 6 tháng ủ rượu để cho ra thứ rượu vàng ươm thượng hạng toả hương thơm dịu. Rượu làng Vân chính gốc với chai rượu in thương hiệu ông tiên chỉ tay lên trời đã được ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang cả nước ngoài. Nhờ sự phát triển vượt bậc đó, các sản phẩm rượu làng Vân ngày càng được mở rộng và phong phú như rượu nếp cái hoa vàng, rượu nếp hạ thổ, rượu gạo tẻ, rượu sắn,… Mỗi khi có dịp về thăm vùng Kinh Bắc, du khách hãy nhớ mua rượu Làng Vân về làm quà biếu bạn bè và những người thân trong gia đình nhé.

  1. Gà Hồ
    Gà Hồ là đặc sản của làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nơi đây nổi tiếng với giống gà Hồ quý chuyên được chọn để dâng lên tiến Vua từ thời xa xưa. Gà Hồ có mã đẹp, vạm vỡ, lông bóng mượt, chân to có vảy mịn, bản tròn. Thịt gà hồng hào thơm ngon, chắc nịch không bã. Mỗi con nặng đến 5 – 6kg và có giá 3-4 triệu đồng một con. Vậy nhưng theo thời gian, giống gà này đang dần bị mai một. Nhưng nhờ vào sự cố gắng của dân làng Lạc Thổ và chính quyền địa phương, giống gà này dần được khôi phục và trở thành đặc sản của tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Thành phố Bắc Ninh – Góc nhìn về một thành phố đáng sống

“Thành phố đáng sống”- là một thành phố phát triển bền vững, nơi người dân có điều kiện sinh sống làm việc và hưởng thụ các tiện ích thoải mái, chất lượng cao.

Đô thị văn minh và trật tự

Như vậy, nói “thành phố đáng sống” là nói tới nơi có đời sống tinh thần phong phú nhân văn, người dân hạnh phúc, tôn trọng thiên nhiên, có trách nhiệm với hiện tại, quá khứ và tương lai… mà trong đó các yếu tố cần thiết để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, chủ yếu tập trung vào ba đặc trưng: Văn hóa, cảnh quan và quản trị.

Văn hóa là những đặc trưng do con người trải qua quá trình thích nghi, ứng biến với tự nhiên và đối nhân, xử thế mà hình thành. Nó có chiều sâu không gian, thời gian và âm hưởng, gia vị riêng biệt, rất khó trộn lẫn. Kinh Bắc- Bắc Ninh là một vùng đất như thế. Nơi địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến hội tụ và kết tinh nhiều giá trị của nền văn minh Đại Việt với những bản sắc riêng độc đáo. Nói tới Bắc Ninh, ngoài “vương quốc” của lễ hội, những ngôi chùa cổ và quê hương Quan họ với “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”, thì đến với Bắc Ninh là đến với miền đất của những con người yêu nước, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh xảo hoạt bát trong giao thương buôn bán; thông minh hiếu học, say mê các hoạt động và sáng tạo nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc…

Cảnh quan thành phố đóng vai trò quan trọng trong cân bằng và ổn định tâm lý thị dân. Cảnh quan hàm chứa sự hài hòa của các điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu bên cạnh các tạo hình kiến trúc hình thành bởi tự nhiên và sức sáng tạo của con người. Những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Bắc Ninh góp phần tạo nên cái hồn của xứ Bắc Ninh- Kinh Bắc. Đó là những dải đồi thấp cực kỳ quý giá giữa mênh mông biển lúa vàng. Cùng với các dòng sông chảy qua Bắc Ninh cũng đều là những dòng sông huyền thoại, bồi đắp một nền văn hóa đặc trưng cho Bắc Ninh-Kinh Bắc.
 Ta hướng tới đô thị văn minh để sống tiện nghi. Sở hữu tiện nghi ngày càng nhiều, ta lại cảm thấy thiếu sự thảnh thơi. Sự thảnh thơi giờ đây phải tìm kiếm, phải tranh thủ. Nhưng, hễ đô thị còn bảo lưu những mặt nước sống, những không gian gò đồi cỏ cây xanh tươi, nó vẫn còn đủ sức đem lại cho ta cái sự thảnh thơi mà tâm thể ta cần đến.

Và cuối cùng, quản trị tốt bao giờ cũng đem lại những trật tự tốt: Về giao thông, về xây dựng, về kinh tế – chính trị, về xã hội, về hành chính… Một đô thị thông minh không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó. Vì vậy, sự đánh giá này vừa cho biết mức độ “đáng sống” hay “sống tốt” của thành phố vừa phản ánh trình độ quản lý của chính quyền đô thị. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống còn là thước đo năng lực và trách nhiệm của chính quyền, của nhà quản lý. Cách thức và hiệu quả quản lý cũng là một biểu hiện của “văn minh, hiện đại” trên phương diện quản lý của chính quyền.

Một “thành phố đáng sống” là khi cả ba yếu tố nói trên đều để lại dư âm tốt đẹp. Nó khiến người ta muốn đến, muốn lưu lại và thậm chí muốn gắn bó trọn đời với thành phố này.

Quá trình xây dựng thành phố

Bắc Ninh sau hơn 25 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp với hệ thống đô thị nhỏ bé, lạc hậu, đã vươn lên trở thành một đô thị lớn. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó xác định: Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, phấn đấu thực hiện “Thành phố Bắc Ninh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Những năm gần đây, Bắc Ninh đã có những quyết sách đúng đắn để gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Bắc Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, khai thác tối đa những lợi thế nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Xây dựng một đô thị Bắc Ninh kết hợp giữa sự phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tri thức, song hành với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường với nhiều dự án có quy mô lớn được hình thành và hoạt động, đã tạo ra diện mạo của một đô thị mới, hiện đại, tiêu biểu nhất là Thành phố Bắc Ninh và Thành phố mới Từ Sơn. Đó chính là tiền đề, động lực để Bắc Ninh hướng đến một “thành phố đáng sống”.

Đề án mô hình thành phố thông minh được Bắc Ninh triển khai từ năm 2017. Đến nay, Trung tâm điều hành thành phố thông minh được coi như là “bộ não số” của tỉnh Bắc Ninh, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh Bắc Ninh trên mọi lĩnh vực đời sống về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, (Bắc Ninh đứng thứ ba bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số DTI của Bộ TT & TT).

Nỗ lực xây dựng Bắc Ninh của Tỉnh và người dân

Xây dựng “thành phố đáng sống” là ước vọng của lãnh đạo, mọi người dân Bắc Ninh. Cho nên, xác định để đạt được về môi trường, hạ tầng và nhất là xây dựng về hành vi văn hóa của người dân để ai cũng thấy đáng sống, Bắc Ninh nên có những tiêu chí thật cụ thể, chi tiết các yêu cầu về “thành phố đáng sống” của mình (về chất lượng cuộc sống, tiện ích xã hội với tầm nhìn chiến lược. Về môi trường, giáo dục, y tế, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tỷ lệ về sự hài lòng đối với các dịch vụ công…).

Hiện tại mức thu nhập bình quân đầu người của Bắc Ninh đứng thứ 2 toàn miền Bắc, xếp sau Hà Nội. Nhưng để tiến tới thành phố trực thuộc Trung ương, Bắc Ninh hiện chưa có các khu đô thị mới có quy mô lớn; mật độ dân số chưa cao; trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị còn hạn chế; hệ thống các công trình văn hóa, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ… còn ở quy mô nhỏ v.v…

Đại dịch COVID-19 buộc chúng ta phải nhìn nhận các hướng đi và phát triển đô thị trong tương lai cũng như khẳng định đô thị thông minh là một giải pháp phù hợp. Mọi người cũng phải xem lại không gian sống của mình, các nhà quy hoạch bổ sung thêm các mảng xanh và không gian công cộng, sớm điều chỉnh quy hoạch để hướng đến một “thành phố đáng sống”.

Những hoạt động “nhường cơm sẻ áo”… mang tính truyền thống của con người Bắc Ninh được phát huy và lan tỏa. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, tỉnh Bắc Ninh dành nhiều nguồn lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đó cũng là tiêu chí để Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, “thành phố đáng sống”, “thành phố nghĩa tình”. Quá trình xây dựng thành phố hiện đại, tiến tới “thành phố đáng sống” không thể ngày một, ngày hai, trong đó việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là việc hệ trọng, khó khăn, không thể xem nhẹ.

Lối sống trọng nghĩa tình không chỉ là “hồn cốt” tạo nên sức sống của di sản văn hóa Quan họ, mà còn lan tỏa sinh động trong suốt quá trình dựng xây quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Trích nguồn

Wikipedia (2022). Bắc Ninh. https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%AFc_Ninh

Lữ hành Việt Nam (2019). Khám phá ẩm thực Bắc Ninh – nét đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc. Ẩm thực Bắc Ninh

Báo Bắc Ninh (2022). Góc nhìn về một thành phố đáng sống. Giao thông & Xây dựng. http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/goc-nhin-ve-mot-thanh-pho-ang-song

Bộ Xây Dựng (2021). Bắc Ninh: Đầu tư xây dựng 11 dự án nhà ở xã hội. Tin Tổng Hợp. https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1184/67374/bac-ninh–dau-tu-xay-dung-11-du-an-nha-o-xa-hoi.aspx

Thanh Xuân (2022). Bắc Ninh công bố 52 dự án nhà ở đủ điều kiện bán sản phẩm. Bất động sản – VnEconomy. https://vneconomy.vn/bac-ninh-cong-bo-52-du-an-nha-o-du-dieu-kien-ban-san-pham.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *